Nâng cao năng lực giám sát biến động rừng cho các CSOs bằng việc sử dụng thông tin hệ thống theo dõi và cập nhật biến động rừng và Tăng cường hiệu quả của Hệ thống Giám sát độc lập biến động Rừng gần thời gian thực (FCIM) tại Đakrông, tỉnh Quảng Trị

Thời gian thực hiện: 28/09/2020 – 27/06/2022
Khách hàng: SRD
Nội dung

Suy thoái rừng là một trong những vấn đề đáng lo ngại ở Việt Nam. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vấn đề này là việc thực thi không đầy đủ các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, thông tin chưa đầy đủ về độ che phủ của rừng và giám sát rừng không chặt chẽ. Hơn nữa, nguyên nhân gốc rễ là hệ thống thông tin dữ liệu về rừng chưa được cập nhật đầy đủ; các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương ít cơ hội tham gia trong quá trình ra các quyết định liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ, nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo từ các cơ quan quản lý các cấp còn trùng chéo và liên tục thay đổi.

Dự án “Đối thoại về Phát triển Rừng bền vững ở Việt Nam” – mã số VM067 với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa các tổ chức xã hội (TCXH), các tổ nhóm cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực Lâm nghiệp ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Địa bàn thực hiện của dự án là tỉnh Quảng Trị, Việt Nam – tỉnh có tỷ lệ suy thoái rừng cao và các xã dự án bao gồm Ba Nang, Đakrông và Hướng Hiệp thuộc huyện Đakrông. Đối tượng hưởng lợi là các Tổ chức xã hội (TCXH) tại tỉnh Quảng Trị và huyện Đakrông, trong khi các Tổ nhóm Cộng đồng (CĐ) chủ yếu là từ các xã dự án. Người dân thuộc 3 xã được lựa chọn cũng được hưởng lợi từ dự án thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin.

Tập huấn cho người dân sử dụng app mobile để tuần tra, xác minh thông tin mất rừng

Mục tiêu chính của dự án:

Nâng cao năng lực cho các TCXH địa phương và Tổ nhóm CĐ được giao bảo vệ rừng tham gia vào mạng lưới tại huyện Đakrông về sử dụng ảnh vệ tinh Sentinel 2 và phần mềm tuần tra rừng dựa vào cộng đồng (sau đây gọi tắt là CFMS) trong Hệ thống giám sát độc lập biến động rừng gần thời gian thực;

Nâng cao hiệu quả của mạng lưới FCIM trong việc kiểm tra, phát hiện, xác thực, báo cáo về các biến động rừng và nhận thức được lợi ích của việc sử dụng ảnh vệ tinh trong quản lý rừng;

Kết quả của việc sử dụng, phân tích và xác thực các thông tin về biến động rừng tại địa phương từ hệ thống CFMS sẽ là cơ sở để các TCXH và CĐ đối thoại với các Cơ quan quản lý nhà nước về Lâm nghiệp, làm tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc giải quyết và ngăn ngừa tình trạng mất rừng không mong muốn.

Kết quả của hoạt động tư vấn

Hệ thống giám sát rừng độc lập biến động rừng gần thời gian thực bao gồm: i) 01 trang lấy thông tin cảnh báo mất rừng tự động được xây dựng; 01 app mobile được xây dựng để thực hiện tuần tra, xác minh thông tin mất rừng từ hệ thống cảnh báo.

Tập huấn cho người dân tại 3 xã Hướng Hiệp, Ba Nang, Đakrông sử dụng app mobile và thực hiện tuần tra hàng tháng.

Ứng dụng sẽ góp phần giúp cộng đồng địa phương phát hiện sớm thông tin mất rừng, hỗ trợ cho lực lượng Kiểm lâm địa bàn sớm các biện pháp ngăn chặn kịp thời.